NHÂN VẬT MỊ - BÙNG CHÁY MỘT SỨC SỐNG TIỀM TÀNG
Năm 1952 cùng với đoàn chiến sĩ về giải phóng Tây Bắc, Tô Hoài đã thực hiện “ba cùng” với nhân dân vùng cao: cùng ăn, cùng ở, cùng làm... Trải nghiệm này, giúp nhà văn tích lũy được nhiều vốn sống quý báu và tình cảm sâu sắc với con người, với núi rừng bao la, đến mức ông phải tự thốt lên rằng: “Đất nước và con người Tây Bắc đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá”. Từ cảm xúc đó, Tô Hoài luôn cảm thấy mình mắc nợ những con người nặng ân tình và thiên nhiên kỳ vĩ nơi đây nhiều lắm. Biết phải làm sao? Chỉ còn một cách duy nhất là phải viết một cái gì đó từ sâu thẳm trái tim mình. Thế là Vợ chồng A Phủ đã ra đời như một món quà đền ơn cho đồng bào Tây Bắc.
Mị là đặc trưng cho cô gái nghèo dưới chế độ thực dân miền núi, là linh hồn của tác phẩm. Cái đặc sắc của Tô Hoài là không nhìn ngắm vẻ lạ rừng xa, không miêu tả Mị theo khuôn thức “đường rừng” mà dựng lên một chân dung sinh động như chính cuộc đời luôn tồn tại với những nghịch lý đối lập nhưng thực ra lại rất thống nhất. Một Mị bị chà đạp nặng nề tưởng như mất hết sức sống. Mặt khác trong Mị vẫn cựa quậy, vẫn tiềm tàng một sức mạnh chống lại số phận. Hai mặt này tương quan và tương phản với nhau tạo nên hai nghịch lý ở Mị. Một con người đáng được hưởng hạnh phúc nhưng bị vùi dập đến cùng. Mị có những phẩm chất tốt đẹp, có nhan sắc, có đời sống tinh thần phong phú, giàu tình yêu đời và khát vọng hạnh phúc lại cần cù, chăm chỉ và hiếu thảo.
Bằng bao yêu thương, nhà văn đã phủ lên Mị những ánh hào quang của một thiếu nữ. Mị trở thành bông hoa Ban tươi đẹp, tinh khiết cheo leo giữa núi rừng Tây Bắc. Nhưng lạ thay bông hoa tươi đẹp ấy lại gánh nặng số phận của kiếp trâu ngựa, cứ như quy luật “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Mị ngồi lẫn với đá, với chuồng ngựa, mặt cúi xuống tưởng không bao giờ ngước lên được nữa. Mị đã bị ném vào vị trí không phải dành cho con người. Như vậy Mị hiện lên không phải ở phía chân dung mà ở phía thân phận quá nghiệt ngã, ấn tượng. Mị khổ đau nhưng không cam chịu, biết khổ đau cũng là một cách phản kháng. Mị là con nhà nghèo vì món nợ truyền kiếp từ đời cha mẹ. Cô đã phải bán cả tuổi trẻ ham yêu, ham sống để mua lấy kiếp trâu ngựa tủi nhục trong nhà Thống lý Pá Tra. Dưới ngòi bút của Tô Hoài, Mị hiện lên như một người bất hạnh nhất, đau khổ nhất trong xã hội cũ.
Mị được ví như thân trâu ngựa, thân rùa. Đây là sự so sánh buốt nhói của Tô Hoài, đã vật hóa kiếp người. Giữa núi rừng Tây Bắc bát ngát là một ô cửa nhỏ xíu bằng bàn tay trong căn phòng của Mị. Cái của sổ là một ẩn dụ tê tái gợi nên một ngục thất tinh thần bức bối, ngột ngạt cầm tù cả tình yêu và tuổi xuân còn phơi phới của đời người. Khi Mị định ăn lá ngón tự tử là lúc sự đau khổ lên đến đỉnh điểm. Điều đó đã truy kích con người đến tận đáy sâu của tủi nhục khiến người ta muốn thoát khỏi cuộc sống khổ đau bằng cái chết.
Ở Mị ta gặp một tâm hồn câm lặng nhưng vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Ngoài hai câu nói ở đầu đoạn trích trong sách giáo khoa Ngữ Văn 12, còn lại Mị hiện lên hoàn câm lặng như một cái bóng: “Mỗi ngày Mị càng không nói”. Tô Hoài để cho nhân vật bị dồn vào chân tường. Đó là nghệ thuật tạo sức nén cho nhân vật bùng lên mạnh mẽ bằng sức sống tiềm tàng bên trong của mình, tạo nên hai đột biến trong cuộc đời một người đàn bà đau khổ. Đó chính là đêm tình mùa xuân, Mị muốn đi chơi và đêm đông cứu A Phủ. Đột biến có cái vỏ phi lý gây kịch tính nhưng bên trong là quá trình diễn biến tâm lý thật tinh tế, vi diệu.
Ngòi bút chu đáo của Tô Hoài đã chuẩn bị tiền đề cho những đột biến trong tâm hồn Mị. Ngay từ phần đầu truyện đã có hai chi tiết đáng chú ý. Trong đêm tình mùa xuân hò hẹn nghe tiếng gõ vách Mị đã cua tay lần tìm ngón tay đeo nhẫn của người yêu. Một Mị run rẩy với tình yêu như thế định ăn lá ngón tự tử. Ngay cái quyết định quyên sinh cũng là sự phản kháng của lòng ham yêu, ham sống cho ra sống. Đó chính là yếu tố tiềm ẩn là sức mạnh bùng lên vào đêm tình mùa xuân giữa lúc ý thức dường như bị tê liệt.
Tâm trạng Mị diễn biến qua sáu chặng phát triển.
Chặng một: Được khởi đầu bằng hơi men và tiếng sáo làm làm dịu cơn đau tê tái trong tâm hồn. Nó có vai trò như một liều thuốc an thần giúp Mị quên đi hiện tại đắng cay. Tiếng sáo từ bên ngoài vọng vào tâm hồn, đánh thức tiếng sáo bồn chồn năm xưa, tiếng sáo dìu hồn Mị trở về với quá khứ của tình yêu trong sáng, hồn nhiên, ngập đầy hạnh phúc.
Chặng hai: Hơi men có nồng nàn là thế nhưng rồi cũng tan làm lộ ra cái bóng trơ vơ của Mị “ngồi trơ một mình giữa nhà”. Cả tiếng sáo trong tiềm thức và tiếng sáo ngoài kia cũng tắt, sự cô đơn choàng tỉnh xúi bẩy sự dao đấu quyết liệt trong tâm hồn Mị. Quá khứ giành giật hiện tại, hiện tại dữ dằn lại bóp nghẹt quá khứ mong manh.
Chặng ba: Quá khứ dù có ra sao cũng không dễ gì phai nhạt trong tâm hồn mỗi con người. Đối với Mị, quá khứ thật hạnh phúc, hồn nhiên, tự do và trong sáng nên nó càng trở nên nó càng trở nên ám ảnh dai dẳng lạ thường. Chính quá khứ ấy đã cứu Mị. Quá khứ ăm ắp đến nỗi khát vọng cứ lớn dần lên bay qua Valie của hiện tại, chiến thắng mọi khổ đau tủi cực, tiến đến hành động quyết liệt: “Quấn tóc, với lấy cái váy đỏ trên vách, đi chơi”.
Chặng bốn: Đúng vào lúc Mị có hành động quyết liệt nhất thì A Sử xuất hiện cùng với dây trói. Với sự lạnh lùng, tàn ác của mình, y đã kịp thời quăng lưới vào khát vọng của Mị, Mị bị trói đứng trên cột, ý định đi chơi bị chặn đứng.
Chặng năm: Mị lại mộng du trong tiếng sáo tha thiết ngoài trời hòa quyện với tiếng sáo đắm say trong tâm tưởng. Tất cả cho Mị một sức mạnh để vùng đứng dậy. Đây là chi tiết vừa lãng mạn đến lạ lùng vừa chứng tỏ khát vọng sống, khát vọng yêu mãnh liệt vẫn đang rừng rực cháy trong thẳm sâu tâm hồn Mị.
Chặng sáu: Thực tại phủ phàng hiện về như những lưỡi hái cứa vào da thịt Mị. Những sợi dây trói tàn bạo làm mộng du tan nhanh, ký ức lùi xa trong ý nghĩ cay đắng về thân phận mình: “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.”
Vậy là sự quẫy đạp lần thứ nhất không đủ mạnh để làm thay đổi số phận của Mị nhưng giàu ý nghĩa hiện thực và nhân đạo qua hai chi tiết nghệ thuật gây ấn tượng: “Tiếng sáo” và “Dây trói”. “Dây trói” là biểu hiện của sự áp bức giã man thời trung cổ. Là hiện thân hung tợn của sự chống lại tự do, ước mơ và hạnh phúc của con người. Tuy không thành công nhưng sự phản kháng này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự đột biến lớn lao có khả năng làm cho số phận Mị hoàn toàn thay đổi.
Đột biến lớn nhất đủ sức làm thay đổi đời người chính là cái đêm đông ấy trên núi cao Mị cắt dây cứu A Phủ. Đột biến này đặt ra nhiều thử thách cho cây bút hiện thực Tô Hoài. Thực may là Tô Hoài đã tỏ ra chắc tay trong việc miêu tả: “Vi phẩu tinh tế ca này ở Mị” qua bốn chặng phát triển.
Chặng một: Mị khởi đầu trong trạng thái đáng sợ trước cái chết đến gần của đồng loại. Ngọn lửa sưởi thổi bùng lên, đúng lúc ấy Mị nhìn sang A Phủ thấy mắt A Phủ mở trừng trừng mới biết A Phủ còn sống. Mấy hôm nay vẫn thế nhưng Mị cứ thản nhiên thổi lửa, thản nhiên hơ tay, nếu A Phủ có là cái xác chết đứng đó thì vẫn thế thôi. Tâm hồn người đàn bà đau khổ ấy đã rơi vào trạng thái tê liệt, đó là chứng tích của tình trạng bị chai lỳ đau khổ.
Chặng hai: Dòng nước mắt đau khổ của A Phủ đã vô tình lay động dây thần kinh cảm xúc đã bị khô cứng từ lâu, làm hồi sinh trái tim đầy thương tích của Mị. Nó có khả năng gợi lên ở Mị cảm xúc thương tâm đẩy tới thương người và thản thốt nghĩ: “Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết”.
Chặng ba: Lòng thương người lớn mạnh nhanh chóng đến mức lấn át cả niềm thương thân... Đó là quy luật, là bản chất của lòng nhân hậu. Chính điều này làm cho Mị thắng được nỗi sợ hãi và đẫn đến hành động quyết liệt: “Rút dao cắt dây, cỡi trói cho A Phủ”.
Chặng bốn: Cái sợ vốn tồn tại và ẩn nấp sâu trong tâm hồn người nông dân Việt Nam với nhiều triều đại Phong kiến và sự tàn ác của giặc ngoại xâm đã tận dụng cơ hội hiếm có này để ập đến. May mắn thay, chính nó lại thúc đẩy bản năng tích cực: “Chạy theo A Phủ”, chính Mị giải thích lý do của hành động này một cách ngắn ngọn nhưng đầy đủ, thuyết phục và chắc chắn: “Ở đây thì chết”.
Nếu sự phản kháng lần một không đủ sức để thay đổi số phận thì sự phản kháng lần hai của Mị triệt để hơn. Bản năng sống quyết liệt đã bật dậy và bùng cháy dữ dội, lật ra một trang mới đầy tự do, hi vọng đang đón đợi cuộc đời Mị. Bằng sức mạnh của lòng nhân hậu, của tình yêu thương con người mà bước đột biến này không chỉ làm thay đổi số phận Mị mà còn hồi sinh cả cuộc đời tan thương của A Phủ.
Bằng sự vi phẫu tinh tế những diễn biến tinh vi trong tâm hồn Mị qua mười chặng phát triển của hai đột biến; Tô Hoài đã chỉ cho người đọc thấy rõ số phận, những phẩm chất cao đẹp và đặc biệt là sức sống tiềm tàng của Mị cuối cùng đã bùng cháy dữ dội làm thay đổi hoàn toàn số phận không chỉ của Mị mà cả A Phủ. Với những ý nghĩa cao cả, sâu sắc trên, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài sẽ còn mãi mãi là niềm say mê, là biểu tượng đẹp đẽ trong tâm hồn người đọc hôm nay và mãi mãi về sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét